Tập trung tái cơ cấu ngành cao su

Năm 2016 giá cao su thế giới tiếp tục giảm sâu, rơi xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, đã đặt ngành cao su trước những thử thách thương trường khắc nghiệt, đòi hỏi ngành này phải ổn định đời sống người lao động vừa phải cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh.

Năm 2016 giá cao su thế giới tiếp tục giảm sâu, rơi xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, đã đặt ngành cao su trước những thử thách thương trường khắc nghiệt, đòi hỏi ngành này phải ổn định đời sống người lao động vừa phải cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh.
 
Chú trọng thâm canh, giảm chi phí sản xuất
 
Ngay từ đầu năm, ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Việt Nam Ruber Group - VRG) đã dự báo trước các kịch bản về giá cao su thế giới và chọn kịch bản ở mức thấp nhất để có các biện pháp ứng phó thích hợp và rất may diễn biến giá cao su trong năm 2016 đã đúng như dự báo với mức đáy vào tháng 6-2016 là23.000 đồng/kg. Nhiệm vụ chung đặt ra cho cả ngành là phải tập trung vào thâm canh, tăng năng suất vườn cây, đồng thời rà soát lại chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để đảm bảo trong tình hình giá cả xuống tới đáy vẫn có lãi. Một phong trào thi đua lao động tăng năng suất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được phát động sôi nổi và triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên, việc khen thưởng được thực hiện hàng quý và đến hết tháng 10đã có một số đơn vị hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh trước thời hạn. Có thể kể ra như Công ty CP Cao su Phước Hòa đạt kế hoạch thu mua cả năm trước 2 tháng14 tổ khai thác của 4 nông trường thuộc Công ty Cao su Chư Sê hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng 9 tháng… 
 
 
Thu hoạch mủ cao su
Toàn ngành đã rà soát các dự án, chỉ tập trung vào các dự án thiết thực phục vụ khai thác mủ, sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí hành chính, tăng năng suất cạo mủ nên năng suất bình quân toàn ngành đạt 1,6 tấn/ha (chỉ thua Ấn Độ) và kéo giảm chi phí sản xuất còn 25 triệu đồng/tấn cao su thành phẩm, đảm bảo vẫn có lãi dù giá xuống tới đáy và ổn định cuộc sống cho 87.000 CB - CNV với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Tín hiệu mới từ Tây Bắc
 
Trong “gian khó vẫn ló niềm tin” đó là sự kiện khai thác lô cao su đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc tại Nông trường Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) vừa qua. Đã có 4/9 công ty cao su bắt đầu khai thác mủ, gồm Lai Châu 71ha, Sơn La 150ha, Điện Biên 42,5ha và Hà Giang 1ha. Vậy là sau 8 năm chờ đợi, dòng nhựa trắng đã tuôn sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng Tây Bắc. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An khẳng định: “Dù là cây trồng mới ở đây nhưng tỉnh sẽ vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm nhằm phát huy lợi thế về đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô tập trung”.
 
Tính đến nay, 9 công ty cao su trực thuộc VRG ở các tỉnh phía Bắc đã trồng, chăm sóc cơ bản được 28.622hacao su với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, năng suất khai thác trong năm đầu đạt khoảng 0,6 tấn/ha, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, hầu hết là đồng bào dân tộc tại chỗ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thuận (Tổng Giám đốc VRG) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tập đoàn đang tập trung thực hiện các việc chính gồm: Ổn định diện tích vườn cây ở mức hiện nay 800.000ha(tính cả ở Lào và Campuchia) để tập trung thâm canh, tăng năng suất; liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; thí điểm đa dạng hóa cây trồng trên đất cao su ở các đơn vị tại Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh; đầu tư phát triển hạ tầng (đường, điện, trường, trạm) đi theo cây cao su ở các tỉnh mới trồng.
 
Ông Thuận cho biết: Vì cao su là cây đa mục đích, ngoài giá trị kinh tế còn có nhiệm vụ ổn định an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở khu vực biên giới, giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc, phủ xanh đất trống đồi trọc, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thông mới… nhưng trong tình hình giá cả xuống thấp như hiện nay và dự báo còn kéo dài; vỉ vậy, nếu chỉ có nguồn vốn vay của tập đoàn sẽ không làm nổi. Do đó, VRG cần có cơ chế đặc thù đối với cây cao su trồng trên đất các địa phương ở khu vực biên giới, Tây Nguyên, nhất là cơ chế tín dụng phù hợp với thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài để giúp nông dân mạnh dạn trồng mới hay cải tạo vườn cây già cỗi, kém năng suất cũng như giúp ngành cao su tái cơ cấu lại sản xuất sang chế biến tinh và đóng góp tích cực hơn trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn tại các vùng trồng cao su mới.
 
Văn Phong (Báo SGGP)